Review Upstream – Ai trong chúng ta cũng có thể "ngược dòng" để tìm thấy hy vọng?
Giới thiệu về phim điện ảnh Hoa ngữ Upstream - Ngược dòng cuộc đời
Năm phát hành: 2024
Thể loại: Phim điện ảnh, Chính kịch
Diễn viên chính: Từ Tranh, T ần Chỉ Lôi, Vương Kiêu
Giới thiệu nội dung: Sau khi mất đi công việc IT ở độ tuổi U50, một người cha bước chân vào thế giới việc làm tự do đầy cạnh tranh và khắc nghiệt của nghề shipper. (Nguồn)
Điểm đánh giá hiện tại (Nguồn): 6.6/10
Điện ảnh luôn là tấm gương phản chiếu thời đại, và Ngược Dòng Cuộc Đời (Upstream) không nằm ngoài quy luật đó. Từ đặt điểm ở xã hội Trung Quốc đang chuyển giao giữa kinh tế suy thoái và cơ hội suy giảm. Thị trường việc làm bị thu hẹp và sự bất lực của hàng chục triệu người bị mắc kẹt trong sự kiểm soát của các "thuật toán" - sự áp bức có hệ thống?
Từ giấc mơ đến thực tế khắc nghiệt
Bộ phim dẫn dắt người xem chứng kiến sự bất lực và vỡ mộng của tầng lớp trung lưu trong một xã hội khắc nghiệt hơn bao giờ hết: con người không ngừng cạnh tranh để duy trì cuộc sống cơ bản dù đã ở ngưỡng tuổi trung niên.
Ngược Dòng Cuộc Đời lấy nghề Shipper để ngợi ca về người lao động và khát khao vươn lên trong nghịch cảnh. Cao Chí Lũy (do Từ Tranh thủ vai), một quản lý IT trung niên, phải từ biệt môi trường doanh nghiệp cao cấp để trở thành shipper sau khi bị sa thải. Từ đó, anh nhận ra một bài học đắng cay: “Dù nỗ lực bao nhiêu, anh vẫn chỉ là con cá nhỏ trong sông lớn.”
Phân tích thông điệp và tranh cãi
(Spoiler! Có tiết lộ một phần nội dung phim)
Upstream không chỉ gây chú ý bởi sự tham gia của đạo diễn kiêm diễn viên chính Từ Tranh, mà còn bởi những tranh cãi xung quanh thông điệp và cách thể hiện. Đây không đơn thuần là một bộ phim giải trí, mà là bức tranh về hiện thực, đầy cảm xúc nhưng cũng không ít sự tranh cãi trong thông điệp và cách truyền tải.
Thời đại thay đổi, điện ảnh cũng thay đổi
Tua nhanh đến 2024, bối cảnh đã thay đổi. Những giấc mơ đổi đời không còn được tô vẽ lấp lánh. Trong Upstream, nhân vật Cao Chí Lũy (do Từ Tranh thủ vai) không còn hy vọng trở thành triệu phú. Anh chỉ mong đủ khả năng trả nợ nhà, đóng học phí cho con, và giữ vững cuộc sống trung lưu. Bộ phim đặt ra câu hỏi quan trọng:
Liệu "cần cù bù thông minh" có còn đúng trong xã hội hiện nay?
Ai cần thay đổi?
Phim truyền tải thông điệp: "Con người phải thay đổi để thích nghi với xã hội, chứ không phải xã hội phải thay đổi vì con người." Cao Chí Lũy không chỉ phải đối mặt với nghịch cảnh, mà còn buộc phải thay đổi tư duy để hoà nhập với nhịp sống xã hội.
Hai chi tiết đáng chú ý:
Cá rơi xuống sông: Cao Chí Lũy bị sa thải (ẩn dụ qua hình ảnh con cá nhảy khỏi cầu) nhưng cuối cùng vẫn "bơi được" khi tạo ra ứng dụng giao hàng và quay lại thế giới văn phòng.
Cánh cổng chắn: Khi đuổi bắt kẻ lừa đảo, Cao Chí Luỹ bị cánh cổng chắn lại. Bộ phim dường như muốn nói: vấn đề không nằm ở cánh cổng, mà ở việc anh cần tìm cách khác để vượt qua.
"Nếu bạn gặp khó khăn, vấn đề là ở bạn." Cao Chí Lũy không chỉ phải đối mặt với nghịch cảnh, mà còn phải thay đổi bản thân để "phù hợp" với xã hội. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt trong cách thể hiện dẫn đến tranh cãi: Liệu đây là động viên hay đang đồng lõa những bất công xã hội?
Tô vẽ nghèo khổ?
Nhiều khán giả cho rằng bộ phim "thi vị hóa" cuộc sống của tầng lớp lao động, biến sự nghèo khó thành một trải nghiệm đẹp đẽ và cảm động. Nhưng thực tế, người lao động không cần những lời động viên rỗng tuếch mà cần những thay đổi thực chất trong xã hội.
Mâu thuẫn trong thể hiện
Dù bộ phim cố gắng khắc họa sự chân thực, nhưng những chi tiết như việc Cao Chí Lũy không hề gầy đi sau quãng thời gian làm shipper khiến người xem cảm thấy thiếu sự thuyết phục. Liệu Từ Tranh thực sự hiểu nhân vật của mình, hay chỉ đang kể một câu chuyện mà chính anh cũng không tin tưởng?
Hiện thực hay "chủ nghĩa tư bản"?
Trong bối cảnh một xã hội Trung Quốc đối mặt với suy thoái kinh tế, Upstream có xu hướng khẳng định: “Chỉ cần làm tốt vai trò của mình, bạn sẽ có một phần hạnh phúc.” Tuy nhiên, điều này vô tình khiến phim giống một sản phẩm của tư bản hơn là lời kêu gọi thay đổi xã hội. Có netizen Trung còn buông lời cay đắng: "Nhà nghèo bỏ tiền để đi xem phim của nhà giàu làm về mình!".
Dù không xuất sắc so với các phim cùng đề tài nói chung và của Từ Tranh nói riêng, Upstream cũng đáng để xem đối với những ai quan tâm đến nghịch cảnh xã hội. Bạn nghĩ sao về thông điệp phim: Liệu con người phải thay đổi để phù hợp với thực tại, hay thực tại mới là thứ cần thay đổi?
Hãy xem phim và để có cảm nhận của riêng mình nhé! 🎥